Nếu được thực hiện cơ chế đặc thù sẽ giúp đẩy nhanh được tiến độ xây dựng nhà ga hành khách T3, Tân Sơn Nhất.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc giao TCT Cảng hàng không VN (ACV) đầu tư dự án nhà ga hành khách T3, Tân Sơn Nhất. ACV đã sẵn sàng triển khai dự án quan trọng, cấp bách này? Trao đổi với ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV làm rõ vấn đề.
ACV tự tin sẽ đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án
Thủ tướng vừa đồng ý giao ACV triển khai dự án nhà ga hành khách T3, vậy kế hoạch triển khai của ACV thế nào, thưa ông?Nếu không xây nhà ga T3, không nâng được công suất CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trước hết sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. CHK Tân Sơn Nhất sẽ “đóng băng” sản lượng khai thác ở một giai đoạn nhất định nếu chúng ta không mở rộng hạ tầng một cách đồng bộ.Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng VN, với tư cách là DN cảng/người khai thác CHK Tân Sơn Nhất, ACV đã lập kế hoạch và chuẩn bị dự án từ năm 2017. Ai cũng biết, sân bay Tân Sơn Nhất đã lâm vào tình trạng ách tắc, đến mức phải “giải cứu” trong nhiều năm qua. Sản lượng thông qua cảng liên tục tăng trưởng cao, dự kiến năm 2019 đạt gần 41 triệu lượt hành khách.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV
Trong khi đó, tổng công suất của 2 nhà ga hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách/năm. Do đó, việc xây dựng thêm một nhà ga công suất 20 triệu khách để đáp ứng nhu cầu khai thác của Tân Sơn Nhất hiện tại và trong các năm tới nhằm khắc phục tình trạng tắc nghẽn, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không là vô cùng cấp thiết.
Tôi có thể tự tin khẳng định ACV sẽ đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện dự án này. Thực tế, năng lực của chúng tôi đã được thể hiện qua các công trình quan trọng được đầu tư xây dựng trong suốt thời gian qua như: Nhà ga hành khách T2 Nội Bài, Tân Sơn Nhất; CHK quốc tế Cần Thơ; Phú Quốc; Nhà ga hành khách CHK quốc tế Vinh; CHK Thọ Xuân; Cải tạo, nâng cấp CHK Pleiku; Nhà ga hành khách Cát Bi...
Đó là chưa nói đến việc ACV đầu tư, khai thác nhà ga hành khách T3 sẽ đảm bảo khai thác đồng bộ với các nhà ga hiện có (T1, T2), tối ưu và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản; đồng thời đảm bảo nguyên tắc “mỗi CHK, sân bay có một nhà khai thác” như quy định của ICAO.
Chưa thể nói rõ thời điểm hoàn thành
Ông có thể nói cụ thể hơn về những mốc tiến độ, bây giờ triển khai thì khi nào có thể hoàn thành, đưa vào khai thác?Hiện, chúng tôi đã cân đối đủ vốn để triển khai thực hiện dự án, song song với việc cân đối nguồn vốn cho các dự án quan trọng khác đến năm 2025 như: Long Thành, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Chu Lai, Điện Biên...
Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, ACV sẽ triển khai ngay dự án với thời gian dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác sau 37 tháng.
Chúng tôi đã lên kế hoạch, tiến độ triển khai khá chi tiết theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, dự án phải trải qua các bước lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở; lập, trình thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán; xin giấy phép xây dựng; đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công; thực hiện thi công công trình trước khi hoàn thiện và cấp phép đưa vào khai thác.
Việc thực hiện các bước lập, trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ dự án, tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn, nhà thầu thi công phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Riêng về thời gian thi công, với năng lực, kinh nghiệm hàng đầu của ACV trong quản lý dự án, chúng tôi cam đoan chỉ thực hiện trong 24 tháng. Sở dĩ chưa thể nói rõ thời điểm hoàn thành, đưa công trình vào khai thác vì nó phụ thuộc vào thời điểm chủ trương đầu tư được phê duyệt.
Theo quy định của Luật Đầu tư 2014: “Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ”. Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.430 tỷ đồng. Do vậy, dự án đang được Bộ KH&ĐT tổ chức thẩm định hồ sơ dự án; sau đó lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Trước đó, ACV nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư (Sở KH&ĐT TP HCM) xem xét, có ý kiến thẩm định về hồ sơ dự án đầu tư để UBND TP HCM trình Bộ KH&ĐT.
Do vướng mắc, không đồng bộ giữa Luật Hàng không dân dụng VN và Luật Đầu tư, thời gian xem xét quyết định chủ trương đầu tư đã kéo quá dài. Việc nhanh chóng kết thúc quá trình này sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy hoàn thành và đưa dự án vào khai thác. Mọi việc đã gấp quá rồi.
Vẫn lo về mặt bằng
Việc xây dựng thêm một nhà ga công suất 20 triệu khách để đáp ứng nhu cầu khai thác của Tân Sơn Nhất, khắc phục tình trạng quá tải là vô cùng cấp thiết. Ảnh: Phan Tư
Theo đề xuất của ACV, dự án nhà ga hành khách T3 CHK Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu khách/năm với tổng diện tích mặt sàn khoảng 110 nghìn m2. Những công nghệ hiện đại sẽ được đầu tư cho nhà ga mới này. Các tiêu chí áp dụng thiết kế sẽ tuân thủ các chỉ tiêu của IATA.
Ngoài nhà ga T3, ACV cũng đề xuất đầu tư đồng bộ sân đỗ máy bay, hệ thống dẫn đường trên cao 2 làn xe, cầu cạn trước nhà ga 5 làn xe và hệ thống sân đỗ ô tô, nhà để xe cao tầng… Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án lên tới hơn 11.430 tỷ đồng được ACV đầu tư 100% bằng vốn DN.
Sau khi được phê duyệt chủ trương, có gì vướng mắc đến tiến độ dự án không, thưa ông?
Cũng như mọi dự án xây dựng công trình giao thông, một trong những lo lắng nhất là mặt bằng để thi công. Thời gian dự kiến trên chỉ được đảm bảo trong điều kiện thuận lợi về mặt bằng. Trường hợp mặt bằng bàn giao chậm, thời gian khởi công thực hiện dự án sẽ bị đẩy lùi tương ứng về sau.
Chúng tôi đã được các cơ quan của Bộ Quốc phòng (liên quan đến khu đất dự kiến thực hiện dự án, đặc biệt là Quân chủng Phòng không - Không quân) rất ủng hộ và tạo điều kiện để hoàn thành hồ sơ dự án về mặt đất đai. Hiện tại, Bộ Quốc phòng đã thống nhất bàn giao 16,7ha để triển khai Nhà ga T3 và các công trình phụ trợ. Trong số này, 16,05ha sẽ được sử dụng để triển khai dự án. Một phần diện tích đất còn lại thuộc Di tích lịch sử Trại Đa Vít cần được bảo tồn.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tuân thủ các quy định liên quan đến đất đai và quốc phòng an ninh. Theo quy định, việc chuyển đổi mục đích đất quốc phòng sang mục đích dân dụng phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc phòng. Sau đó đất sẽ được Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND TP HCM; Ủy ban điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của địa phương, cấp sổ đỏ cho Cảng vụ Hàng không miền Nam để cảng vụ cho ACV thuê đất thực hiện dự án. Ngoài ra, công tác GPMB, đảm bảo điều kiện hoạt động thông suốt của các đơn vị quân đội bị ảnh hưởng bởi dự án cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Với tình hình khai thác tại Tân Sơn Nhất như hiện nay, có những nguy cơ gì xảy ra nếu xây dựng nhà ga T3 bị chậm trễ, thưa ông?
Với cấu hình của Tân Sơn Nhất (cả hệ thống khu bay và nhà ga hành khách), sản lượng đến ngưỡng thông qua cảng sẽ dừng ở con số 41-42 triệu hành khách/năm. Năm 2019, vì lý do hạ tầng dẫn đến khó khăn về slot, sản lượng hành khách thông qua Tân Sơn Nhất chỉ tăng khoảng 5% so với năm 2018 (trong đó sản lượng khách quốc tế chỉ tăng khoảng 3%), trong khi nhu cầu tăng khai thác của các hãng hàng không, trong đó có nhiều hãng hàng không nước ngoài vẫn rất cao mà Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng.
Tôi muốn nói rằng, chúng ta mới đang nói đến nhà ga T3 chứ chưa nói đến việc sửa chữa, nâng cấp đường băng, xây thêm hệ thống đường lăn, trong đó có một đường lăn song song. Nếu xây nhà ga T3 mà không có các hạ tầng đồng bộ đi kèm, cũng không nâng công suất khai thác CHK được vì “cổ ngỗng” sẽ lại chuyển về khu bay; dẫn đến không khai thác được hết công suất nhà ga.
Theo tính toán của các chuyên gia tư vấn của ADPi, cấu hình hiện nay của Tân Sơn Nhất chỉ cho phép khai thác tối đa được 270-275 nghìn lượt cất hạ cánh/năm, tương đương sản lượng khoảng 41-42 triệu lượt hành khách/năm; trong khi năm 2019 dự báo đạt khoảng 250 nghìn lượt cất hạ cánh. Vì an toàn, ta không thể khai thác vượt công suất cho phép của hạ tầng khu bay được. Chất lượng dịch vụ nhà ga có thể xuống một chút nhưng an toàn bay thì không thể đánh đổi, là mục tiêu “bất di bất dịch”.
Vậy có cần cơ chế đặc thù gì để triển khai, rút ngắn tiến độ dự án này không, thưa ông?
Nếu được thực hiện cơ chế đặc thù trong khuôn khổ cho phép của pháp luật thì sẽ giúp đẩy nhanh được tiến độ của dự án. Ngoài nỗ lực tự thân của ACV trong việc triển khai các giai đoạn thực hiện dự án, để rút gọn thời gian, chúng tôi muốn được áp dụng một số cơ chế như áp dụng Điều 26 của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; Áp dụng Khoản 2, Điều 43 về “quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù” của Nghị định 59 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, chỉ định thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lập phương án kiến trúc, tuyển chọn phương án kiến trúc do tư vấn đề xuất.
Ngoài ra, do khu vực công trình nằm hoàn toàn trên đất quốc phòng nên ACV đề nghị cho phép được tạm bàn giao mặt bằng để thi công công trình song song với việc hoàn thiện các thủ tục bàn giao đất giữa các cơ quan Nhà nước.
Cảm ơn ông!
0 Nhận xét