Chuyên gia lý giải tàu Nhổn - ga Hà Nội thiết kế 80km/h, chỉ chạy 35km/h

Theo chuyên gia, vận tốc khai thác thương mại của tàu đường sắt đô thị phụ thuộc vào thiết kế tàu và khoảng cách giữa hai ga.

Tàu đường sắt tuyến Nhổn - ga Hà Nội được thiết kế, chế tạo với vận tốc tối đa 80km/h

Trung bình cứ mỗi 1km lại dừng tại một ga

Ngày 12/9, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đoàn tàu đầu tiên của dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hiện đang được chế tạo, lắp ráp tại Pháp và sẽ về Việt Nam vào tháng 7/2020 để đáp ứng kế hoạch đưa vào vận hành 8,5km đoạn trên cao vào tháng 4/2021 và vận hành toàn tuyến (thêm 4km đi ngầm) vào năm 2022.

Theo đó, có tổng số 10 đoàn tàu được làm bằng hợp kim nhôm, theo tiêu chuẩn châu Âu. Tàu có chiều rộng từ 2,750 - 2,950m. Chiều dài khoảng 80m đối với đoàn tàu 4 toa (trong tương lai có thể kéo dài thêm 1 toa để thành 5 toa). Quy chuẩn các tay cầm trên tàu được thiết kế riêng cho người Việt Nam, dựa theo nghiên cứu về nhân khẩu học, chiều cao, hình dáng.

"Tốc độ thiết kế tối đa của đoàn tàu đạt 80km/h. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, mỗi đoàn tàu có khả năng chuyên chở 850 - 950 hành khách, với mật độ khoảng từ 6 - 8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35km/h”, Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Lý giải việc vì sao đoàn tàu được thiết kế tốc độ 80km/h nhưng khi khai thác thương mại chỉ đạt vận tốc 35km/h, ông Julien Barjou, Giám đốc kỹ thuật của Liên danh nhà thầu ALSTOM- COLAS RAIL-THALES (chế tạo tàu cho dự án) cho biết, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, bao gồm 8,5 km đường sắt trên cao và 4 km ngầm từ Kim Mã tới ga Hà Nội, với 12 nhà ga được trải đều trên đường đi (8 ga trên cao và 4 ga ngầm). Như vậy, tàu đón trả khách liên tục trong quãng đường 12,5km, trung bình cứ mỗi 1km lại dừng tại một ga.

Do đó, tốc độ khai thác thương mại của đoàn tàu được tính bằng khoảng cách di chuyển từ ga số 1 đến ga số 12 chia cho thời gian di chuyển. Để đạt được tốc độ thương mại khoảng từ 35km/h đến 38km/h, quy trình vận hành là tàu bắt đầu khởi động từ vận tốc 0km/h từ ga số 1, sau đó tăng tốc để chạy, dừng dọc hành trình với mức vận tốc đạt khoảng 72km/h đến 74 km/h, rồi lại giảm về 0. Chu trình lặp đi lặp lại khi đến ga cuối cùng.

Mô phỏng bên trong đoàn tàu đường sắt tuyến Nhổn - ga Hà Nội

35km/h là tốc độ bình quân

Theo ông Nguyễn Ân, chuyên gia kỹ thuật đường sắt, mỗi đầu kéo của đoàn tàu đường sắt đô thị đều được thiết kế và chế tạo ứng với tốc độ kỹ thuật (công suất) tối đa. Khi hoạt động, công suất tối đa có thể xê dịch 5 - 10%. Tại một số đường sắt đô thị đang được triển khai tại Việt Nam, tốc độ thiết kế đoàn tàu ở mức 80km/h (tuyến Nhổn - ga Hà Nội), 110km/h (tuyến Bến Thành – Suối Tiên)…. Tuy vậy, khi đưa vào khai thác thương mại được tính bằng vận tốc chạy tàu bình quân.

“Tốc độ chạy tàu bình quân (hay tốc độ thương mại) là kết quả của viêc chia quãng đường cho tổng thời gian hành trình ( bao gồm cả thời gian chạy, dừng, nghỉ đón khách...). Vì vậy, việc đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội hay Cát Linh - Hà Đông đạt vận tốc khai thác thương mại 35km/h không có nghĩa tàu thực tế chỉ chạy 35km/h, mà đây là vận tốc bình quân. Tốc độ thiết kế cao giúp khả năng tăng tốc nhanh. Vận tốc khai thác bình quân phụ thuộc vào khoảng cách giữa hai ga, khoảng cách càng lớn thì vận tốc càng cao và ngược lại”, ông Nguyễn Ân phân tích.

Chuyên gia này cũng cho biết, vận tốc thiết kế tối đa và vận tốc khai thác bình quân của mỗi dự án đường sắt đô thị đều được tính toán ngay từ khâu thiết kế dự án. Vì vậy, sau khi dự án đi vào khai thác thương mại, dù muốn tăng tốc độ khai thác thương mại của đoàn tàu cũng không được.

Cùng đó, do liên quan đến đặc tính kỹ thuật và nguyên lý vận hành, vận tốc thiết kể của đoàn tàu tỷ lệ thuận với vận tốc khai thác thương mại bình quân; tốc độ thiết kế càng thấp thì khả năng tăng tốc trong thời gian ngắn bị giảm theo.

Chuyên gia này cũng cho biết, chỉ một số tuyến đường sắt ngoại ô của một số nước khai thác với tốc độ trên dưới 50km/h, còn các tuyến đường số đô thị chỉ đạt vận tốc 30 - 40km/h.

Bình luận

0 Nhận xét