Biện pháp xử lý đáy móng

Biện pháp xử lý đáy móng là nền đất :

Bien phap xu lý day mong

Khi đất trong hố móng còn cách đáy móng 0,5m cần phải đào bằng biện pháp thủ công để giữ trạng thái nguyên thổ của nền.
Khi đào gần đến cao độ đáy móng, phải đào một cách thận trọng, chỉ được lấy đất đi không được đắp bù vào. Tổ chức cho công nhân đào từng lớp mỏng 15÷20 cm, đào đến đâu lấy hết đất đi đến đấy. Cán bộ kỹ thuật phải có mặt thường xuyên trong hố móng để kiểm tra cao độ và giám sát kỹ thuật đào lấy đất.
Phải tổ chức các công việc chu đáo để có thể ngay khi đào xong hố móng là tiến hành đổ bê tông móng, tránh để ngỏ lâu ảnh hưởng đến điều kiện ổn định của nền. Nếu do những nghuyên nhân nào đó mà phải chờ một thời gian mới đổ bê tông móng thì để chừa lại 0,1÷0,2m ngay trước khi đổ bê tông tiến hành đào nốt và tạo phẳng bằng lớp đệm móng.
Vai trò của lớp đệm móng :
- Bảo vệ nền đất dưới đáy móng không bị phá hoại do đi lại dẫm đạp trong
quá trình chuẩn bị đổ bê tông bệ móng.
- San phẳng đáy móng, tạo thành lớp lót giữ sạch cho cốt thép và chống mất
nước xi măng.
Lớp đệm móng không có vai trò chịu lực, nhưng có tác dụng đảm bảo chất lượng cho bê tông móng.
Lớp đệm móng có cấu tạo theo một trong hai dạng :
- Hỗn hợp dăm cát có chiều dày 15cm đầm chặt, nếu gặp nền sét ướt.Trước khi đổ lớp đệm dăm,cần hớt bỏ lớp đất nhão bên trên,rải và san lấn dần và đầm cho lớp hỗn hợp này thâm nhập một phần vào trong nền.
-Vữa bê tông mác thấp dày 10cm.Biện pháp dùng vữa bê tông mác thấp để lót móng là hiệu quả nhất vì nó tạo ra mặt nền ổn định, sạch sẽ có thể láng phẳng để tạo mặt ván đáy chính xác cho bệ móng. Đặc biệt nếu đáy bệ có lưới cốt thép thì việc dùng bê tông lót móng là bắt buộc. Bê tông lót móng đổ trực tiếp lên mặt nền vừa đào lấy đất, san phẳng và vỗ qua một lần bằng đầm tay. Nếu nền có hiện tượng thấm nước, dùng hỗn hợp bê tông khô rải lên và đầm, bê tông sẽ ngấm nước và ninh kết.
Cao độ lớp lót không được cao hơn cao độ thiết kế của đáy móng.

2. Biện pháp xử lý đáy móng là nền đá :

Không ít trưòng hợp đáy móng đặt trên nền đá. Đào bóc đi lớp bề mặt phong hoá bình quân 0,5m mục đích là bỏ lớp đá cường độ thấp và tạo phẳng.
Tẩy lớp phong hoá bằng búa hơi ép, nếu khối lượng lớn có thể áp dụng biện pháp nổ mìn lượng nhỏ, có che chắn. Đá thải được xúc vào thùng chứa và chuyển lên khỏi hố móng bằng cần cẩu.
Sau khi tẩy lớp phong hoá tiến hành chôn neo chống trượt trên mặt đá. Khoan những lỗ khoan ∅42mm, l=50cm theo sơ đồ mắt sàng, khoảng cách a=50cm.Dùng vòi nước rửa sạch lỗ khoan. Nhồi vữa xi măng cát tỉ lệ 1:2 vào đầy các lỗ khoan,chú ý không để tạo các túi khí trong lỗ. Neo là các thanh thép ∅32 có gờ dài 100cm đóng vào các lỗ đã nhồi vữa cho đến sát đáy.

Sau khi chôn neo, dùng vữa bê tông láng một lớp dày 10 cm khắp lượt đáy móng để tạo phẳng bằng với cao độ thiết kế của đáy móng


Bình luận

0 Nhận xét