Các dạng hư hỏng công trình trên sân bay

Các dạng hư hỏng công trình trên sân bay

5.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Những yếu tố chủ yếu làm hư hỏng các công trình trên sân bay là sự phá hủy dần dần của thời tiết và sự tác động của máy bay cũng như các yếu tố khác. Việc phát hiện sớm và sửa chữa ngay những hư hỏng là quy trình bảo dưỡng ngăn chặn quan trọng nhất. Nếu không thực hiện bảo dưỡng ngay sau khi phát hiện ra những hư hỏng này thì mức độ trầm trọng sẽ ngày càng lớn và sẽ rất tốn kém tiền bảo dưỡng sau này cũng như kéo dài thời gian đóng cửa khi sửa chữa cải tạo hoặc nâng cấp. Trước tiên phải xác định nguyên nhân gây ra hư hỏng sao đó tìm ra phương pháp sửa chữa.

5.2. CÁC DẠNG HƯ HỎNG MẶT ĐƯỜNG BÊ TÔNG XI MĂNG
5.2.1. Hư hỏng cấu tạo mặt đường.
1) Vết nứt (dọc - ngang - chéo)
- Định nghĩa: Tấm  bị chia thành 2 hoặc 3 mảnh, trừ tấm bị đứt ở góc, (trường hợp này là "nứt ở góc").
- Nguyên nhân có thể:
+ Sức chịu tải không đủ (chiều dày tấm không đủ, cường độ kéo uốn của bê tông kém)
+ Các điều kiện nền móng của tấm bị hư hỏng (đất nền bị lún, yếu).
+ Khi thi công khe nối quá muộn (vết nứt ngang).
+ Việc cắt khoan mặt đường không đúng cách (để lắp đặt đèn tín hiệu…) làm giảm khả năng chịu tải của mặt đường dưới tác động của tải trọng máy bay.
+ Kích thước tấm quá lớn so với chiều dày của nó tạo ứng suất nhiệt lớn.
-  Định tính: Mức độ nghiêm trọng được đánh giá bởi:
+ Độ mở của vết nứt.
+ Có hoặc không có vết mẻ.
+ Có hoặc không có vật liệu bị bong bật.
+ Mức độ nhẹ: Vết nứt không mẻ, độ mở d 5 mm hoặc vết nứt đã được sửa chữa.
+ Mức độ trung bình: Vết nứt không mẻ, độ mở d > 5mm, vật liệu không bị bong bật.
+ Mức độ cao: Vết nứt có vật liệu bị bong bật  d> 5mm.
- Định lượng: Đơn vị là tấm. Tấm được tính là nứt ngay cả khi vết nứt không chiếm cả chiều dài hoặc chiều rộng tấm.
Hậu quả và tiến triển:
+ Thấm nước vào kết cấu mặt đường.
+ Tấm  mất sức chịu tải.
+ Độ bằng phẳng bị giảm sút - Vật liệu bị bong bật.
2) Vết nứt ở góc - gẫy ở góc.
- Định nghĩa: Tấm bị gãy làm 2 mảnh, chỗ giao nhau của vết nứt với mép tấm  ở trong 1/4 của tấm với góc ta xem xét.
- Nguyên nhân: Điều kiện chỗ nền móng của tấm xấu, chuyển tiếp tải trọng lớn và liên tục, khả năng truyền lực kém.
- Xét quy định tính: Như ở (1) vết nứt tấm  dọc ngang.
- Định lượng: Đơn vị là tấm.
- Hậu quả và tiến triển: Thấm nước vào kết cấu mặt đường, sụt cục bộ, độ bằng phẳng bị giảm, vật liệu bị bong bật.
3) Sự phá huỷ do giãn nở.
- Định nghĩa: Phá huỷ mép của các tấm bê tông tại các khe nối hoặc vết nứt ngang.
- Nguyên nhân có thể do:
+ Độ rộng khe không đủ cho tấm bê tông giãn nở nhiệt
+ Vật liệu cứng thâm nhập vào khe nối hoặc vết nứt ngang.
+ Hiện tượng silicat hoá khi bê tông ninh kết làm đầy khe nối.
- Ghi định tính: Đơn vị là tấm .
Các tấm được đếm như sau: Bị phá huỷ ở một khu giữa 2 tấm thì được tính 2 tấm. Trong trường hợp xét trước đây có những mép tấm bị hiện tượng phá huỷ do giãn nở thì phải cộng thêm 1 tấm cho mỗi khe bị phá huỷ do giãn nở.
- Hậu quả và tiến triển: + Sức chịu tải giảm sút.
+ Nước ngấm xuống làm yếu nền.
+ Tạo thành bậc thang, đứt gãy tấm.
+ Các điều kiện hoạt động của tấm thay đổi.
4) Dập
- Định nghĩa: Tấm  bị đứt thành hơn 4 mảnh, các vết nứt theo chiều dọc, ngang, chéo (không tính các mảnh gẫy góc).
- Nguyên nhân có thể:
+ Sức chịu tải của tấm không đủ.
+ Nền móng của tấm bị hư hỏng (đất bị lún hoặc xói mòn).
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào độ dập vụn của tấm, một mặt phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng cao nhất của các vết nứt ở bề mặt tấm n  3.
- Hậu quả và quá trình phát triển thêm.
+ Thấm nước vào kết cấu mặt đường.
+ Các điều kiện hoạt động của tấm bị thay đổi (chuyển tiếp tải trọng).
+ Sụt cục bộ - Độ bằng phẳng giảm sút, độ kết dính yếu - vật liệu bị bong bật.
5) Phụt
- Định nghĩa: Các hạt mịn phun trào lên trên mặt đường qua các khe hoặc các vết nứt.
- Nguyên nhân có thể:
+ Nền móng yếu (lún sụt, xói mòn...) lúc có  nước. (Các tấm bị bập bênh dưới tác động của tải trọng, nước ở bên dưới chịu áp lực trên bề mặt tiếp giáp giữa tấm và móng bị đẩy lên mang theo các hạt mịn phun trào lên trên bề mặt qua các khe hoặc các vết nứt.
+ Khả năng truyền lực giữa các tấm không tốt, chất lượng vật liệu chèn khe kém.
- Ghi định tính: Đơn vị là tấm .
Các tấm được đếm như sau: Bị phụt ở một khu giữa 2 tấm đan thì được tính 2 tấm. Trong trường hợp xét trước đây có những khe bị hiện tượng phụt thì phải cộng thêm 1 tấm cho mỗi khe bị khuyết tật phụt.
- Hậu quả và tiến triển: + Sức chịu tải giảm sút.
+ Hình thành các khoảng rỗng trong lớp móng.
+ Độ dính bám suy giảm.
+ Tạo thành bậc thang, đứt gãy tấm.
6) Cập kênh - Bậc.
- Định nghĩa: Chêch lệch cao trình giữa 2 tấm  kế tiếp ở 2 mép của vết nứt (một vết mẻ mà vật liệu bị bong bật  tạo thành 1 bậc).
- Nguyên nhân có thể:
+ Có hiện tượng phụt
+ Vi lún của đất nền, mất thành phần hạt mịn, đất trương nở.
+ Kết cấu không đồng đều của vật liệu các lớp móng
+ Mất khả năng truyền lực giữa các tấm
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng được xác định bằng chiều cao chênh lệch (h) của bậc.
+ Mức độ nhẹ h<0,5 cm
+ Mức độ trung bình  0,5 <h<1,5 cm
+ Mức độ cao h>1,5 cm
- Định lượng: Đơn vị tính là tấm.
Một chỗ cập kênh giữa 2 tấm (hoặc 2 mảnh tấm) tính là một tấm. Những chỗ cập kênh (bậc) do gián đoạn cấu tạo không tính.
- Hậu quả tiến triển:
+ Độ bằng phẳng bị suy giảm.
+ Độ dính bám suy giảm.
+ Các điều kiện hoạt động của tấm thay đổi.
5.2.2. Hư hỏng trên bề mặt.
1) Mẻ
- Định nghĩa: Mảnh vỡ ở mép tấm (ở góc hay ở giữa cách khe, độ sâu dưới 30 cm), nói chung hiện tượng hư hỏng này chỉ ảnh hưởng đến một phần chiều dày của tấm.
- Nguyên nhân có thể:
+ Do ứng suất quá mức ở khe nối
+ Chiều rộng khe nhỏ, khoảng cách giữa các khe dãn quá lớn
+ Thiếu sót trong thi công (bê tông yếu tại khe nối, thanh truyền lực đặt sai).
+ Có vật rắn trong khe nối (thiếu sót trong bảo quản khe)
+ Bê tông yếu kém nên không chịu được xung lực.
+ Hư hỏng cục bộ khi tạo khe quá sớm.
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc chiều dài chỗ hư hỏng và mức vỡ vụn, vật liệu có bị bong bật hay không.(n là số mảnh tạo nên chỗ hư hỏng)
- Định lượng: Đơn vị tính là tấm.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Thấm nước vào thân đường.
+ Vật liệu bị bong bật.
2) Rạn chân chim - Bong vảy.
- Định nghĩa:
+ Rạn chân chim là toàn bộ những vết nứt nhỏ tạo nên một lưới mau mắt trùm bề mặt tấm, có thể tiến triển thành bong vảy.
+ Bong vảy là hiện tượng màng vữa xi măng trên bề mặt tấm bong ra từng mảnh nhỏ.
- Nguyên nhân có thể:
+ Thiếu sót trong thi công (mất nước quá nhanh trong thời gian ninh kết của bê tông do khâu bảo dưỡng bê tông ban đầu kém).
+ Hiệu ứng nhiệt (nóng lạnh đột ngột).
+ Sốc nhiệt (nóng do luồng phụt hơi của động cơ phản lực).
- Định tính:
+ Mức độ nhẹ :Rạn chân chim
+ Mức độ trung bình :Bong vảy trên toàn bộ diện tích S 1 m2
+ Mức độ cao :Bóc vảy trên toàn bộ diện tích S > 1 m2
+ Mức độ định lượng: Đơn vị xét ghi là tấm đan.
Trong trường hợp tấm đan nhiều chỗ rạn chân chim hoặc bóc vảy ở những mức độ khác nhau, tấm đan được tính 1 lần với mức độ cao nhất trong các mức độ.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Bê tông có lỗ bọt.
+ Độ bằng phẳng suy giảm.
+ Vật liệu bị bong bật.
3) Sự bào mòn.
- Định nghĩa: Bào mòn là hiện tượng mặt đường bị bào mòn dưới tác động của hoạt động máy bay và thời tiết.
- Nguyên nhân có thể:
+ Thiếu sót trong thi công (thành phần hạt, độ thừa vữa), chất lượng bề mặt kém.
+ Lão hoá bề mặt.
- Định tính:
+ Mức độ nhẹ :Giảm độ nhám
+ Mức độ trung bình :Các hạt bị mài nhẵn trên toàn bộ diện tích S 1 m2
+ Mức độ cao :Các hạt bị mài nhẵn trên toàn bộ diện tích S>1m2
+ Mức độ định lượng: Đơn vị xét ghi là tấm.
Trong trường hợp tấm đan nhiều chỗ bị bào mòn ở những mức độ khác nhau, tấm đan được tính 1 lần với mức độ cao nhất trong các mức độ.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Hệ số ma sát bị suy giảm.
+ Vật liệu bị bong bật.
[ads-post] 5.2.3. Hư hỏng ở khe co dãn.
- Định nghĩa: Khe co giãn bị hư hỏng là khe có khuyết tật, không đảm bảo cho tấm có khả năng co giãn hoặc không có khả năng ngăn nước thấm xuống.
- Nguyên nhân:
+ Khuyết tật của chất dùng chèn khe (lão hoá, cứng lại, dính bám kém, các sản phẩm thành phần vật liệu không thích nghi với nhau).
+ Thiếu sót trong thi công (cọ rửa khe không kỹ, tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều sâu của khe không hợp lý, đáy khe thiếu).
+ Tác động Nhiệt, Hoá, Cơ...
+ Chất chèn khe bị bóc đi.
- Định tính: Chỉ xem xét 2 khe cho mỗi tấm. Hai khe này kế tiếp nhau trên đường chu vi của tấm .
Mức độ nghiêm trọng xác định như sau:
+ Mức độ nhẹ: Một vài khuyết tật nhỏ (lão hoá, bong) trên phạm vi nhỏ hơn 1/2 chiều dài khe.
+ Mức độ trung bình: Vài khuyết tật điểm (lão hoá, bong) trên phạm vi lớn hơn 1/2 chiều dài khe.
+ Mức độ cao: Hình thành vết nứt vỡ, hoặc bong có hệ thống, bóc vật liệu.
- Định lượng : Đơn vị xét là mét dài khe và chiều sâu khe.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Thấm nước xuống các lớp kết cấu mặt đường.
+ Tích tụ sỏi, đất hoặc thực vật.
+ Nguy cơ mẻ.
5.2.4. Các hiện tượng hư hỏng khác.
1) Khu vực đã sửa chữa bị hư hỏng.
- Định nghĩa: Khu vực đã sửa chữa,  bất kỳ từ nguồn gốc nào, bị hư hỏng, trừ những khu vực sửa chữa vết nứt trên tấm có diện tích lớn hơn hoặc bằng 0,5 m2.
- Nguyên nhân: Thiếu sót trong khi sửa chữa. Tuỳ thuộc vào dạng các hiện tượng hư hỏng xuất hiện trên bề mặt của tấm để xác định tính chất của khuyết tật.
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng được tính ở mức độ nghiêm trọng cao nhất thấy được trong các chỗ hư hỏng thể hiện ra trên phạm vi của khu vực sửa chữa.
- Định lượng: Đơn vị xét ghi là tấm .
Trong trường hợp tấm bao gồm nhiều chỗ sửa chữa có mức độ nghiêm trọng khác nhau, tấm chỉ tính một lần với mức độ nghiêm trọng cao nhất.
- Hậu quả và tiến triển: Như những hậu quả và tiến triển cho hư hỏng khác.

2) Đọng gôm (Mạt cao su)
- Định nghĩa: Đọng mạt cao su tập trung ở nơi chạm bánh (bánh máy bay vừa quệt xuống mặt đường).
- Nguyên nhân: Bánh lốp máy bay bị mài mòn lúc chạm đất khi hạ cánh.
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào số tấm bị hư hỏng so với tổng số tấm  cho khu vực được xem xét.
- Định lượng: Đơn vị tính là tấm.
Tấm  được tính đến khi nó bị bao phủ bởi mạt cao su trên 1 diện tích ít nhất là 1 m2.
- Hậu quả: Tính dính bám bị suy giảm.
5.3. CÁC DẠNG HƯ HỎNG MẶT ĐƯỜNG BTN
5.3.1. Các biến dạng mặt đường.
Sự biến dạng trên mặt đường BTN là do nền bị lún, không đủ độ kết dính của các lớp, hỗn hợp bitum thiếu tính ổn định, sự kết dính giữa lớp mặt đường và các lớp móng dưới không tốt hoặc do đất ở lớp đáy áo đường dưới trồi lên gây ra. Có năm loại biến dạng thường xẩy ra:
1) Võng (Vùng lõm)
- Định nghĩa: Là chỗ lõm của mặt đường, nói chung thường có mặt bằng hình Elíp và có chiều dài nhỏ hơn 5m.
- Nguyên nhân:
+ Mặt đường quá tải
+ Khuyết tật khi thi công mặt đường.
+ Lún ở lớp nền.
+ Thoát nước mặt đường không tốt.
- Định tính (mức độ nghiêm trọng) tính đo chiều sâu của vùng lõm “P”
+ Mức độ thấp : L (Low)
+ Mức độ trung bình: M (Medium)
+ Mức độ cao: H (High)
- Định lượng: Tính diện tích mặt bằng bị lõm: Diện tích của hình chữ nhật bao quanh chỗ lõm.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Độ bằng phẳng bị biến đổi.
+ Đọng nước có nguy cơ mất dính kết, bóc vỏ lớp bọc.
+ Thấm nước vào trong sân đường.
2) Vệt hằn (Vệt lõm)
- Định nghĩa: Là chỗ lõm theo chiều dọc, có kích thước theo chiều ngang nhỏ, xuất hiện khi bánh xe càng máy bay lăn qua có thể kèm theo cả việc xô vật liệu bao nhựa ra
2 mép tạo thành gờ ở chỗ biến dạng.
Thường bắt gặp ở các vị trí đỗ máy bay và trên các đường lăn.
Nguyên nhân có thể: + Lớp mặt đường mỏng hoặc lớp phủ yếu.
+ Đường bị mỏi quá mức.
+ Vật liệu móng hoặc đáy áo đường bị dồn hoặc xê dịch khi chịu tải
- Định tính: Mức độ L, M, H: P  1cm; 1<P 2 cm và P> 2 cm.
- Định lượng: Diện tích mặt bằng của hình chữ nhật bao quanh chỗ bị hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Độ bằng phẳng bị biến đổi.
+ Nước bị đọng, phá huỷ độ dính kết, nguy cơ trượt (ở đường CHC).
+ Thấm nước vào trong thân đường. Rạn nứt chân chim do mỏi.
3) Biến dạng hình sóng.
- Định nghĩa: Vùng trũng theo chiều dọc, có kích thước theo chiều ngang lớn, có vị trí ở hai bên trục tim đường vận hành máy bay, nơi chịu tải trọng của các càng chính của máy bay, có chiều rộng từ 5-7 mét. Nói chung hiện dạng này thường xuất hiện với chiều dài khá lớn.
- Nguyên nhân:
+ Vật liệu kết cấu mặt đường bị xuống cấp.
+ Hỗn hợp vật liệu thiếu ổn định và khả năng dính bám giữa các lớp kết cấu kém
- Định tính: Xét chiều sâu lún và chiều rộng của các vùng trũng. Mức độ nghiêm trọng được xác định bằng thước mềm 7 mét.
Mức độ L (nhẹ) P  1,5
M (trung bình) 1,5 <P  3
H (cao) P > 3.
- Định lượng: Đo diện tích cộng dồn của hai hình chữ nhật bao lấy các vùng trũng.
- Hậu quả và tiến triển:
Gây đọng nước kéo theo sự giảm bớt tính kết dính của vật liệu có nguy cơ trượt (ở các đường CHC), thấm nước vào thân đường - bong lớp mặt.
4) Phồng - Gồ.
- Định nghĩa: Là hiện tượng mặt đường bị nhô lên ở trắc dọc hoặc trắc ngang.
- Nguyên nhân:
+ Dồn ứ vật liệu dưới tác động của các lực tiếp tuyến mạnh (phanh hãm hoặc điểm chạm bánh của máy bay).
+ Sự trương nở của đất nền.
+ Dãn nở do nhiệt của lớp móng bên dưới
+ Vật liệu cứng tại các khe, các vết nứt, ngăn cản sự giãn nở của mặt đường.
+ Hiệu ứng nhiệt trên các lớp ngoài tại mặt những chỗ nối tiếp vật liệu có tính chất khác nhau (lực đẩy của các tấm bê tông xi măng trên lớp móng bằng đá  nhựa).
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng tính theo chiều cao h tuỳ theo bản chất của đường. Thước 3m được đặt tại trọng tâm chỗ hư hỏng và vuông góc với hướng chung của chỗ hư hỏng, song song với chiều dốc trung bình của đường.
- Định lượng: Tính bằng diện tích (m2) mặt bằng bao quanh nơi hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Độ bằng phẳng bị giảm sút.
+ Các lớp bị bong ra, đọng nước gây nguy cơ bong mặt.
+ Mất tính kết dính của các lớp mặt đường.
+ Phát sinh nứt mặt.
5) Vi lún /  gờ
- Định nghĩa: Là chỗ lõm, nói chung lõm theo chiều ngang, nơi tiếp giáp giữa các đoạn thi công.
- Nguyên nhân có thể:
+ Sự gián đoạn trong xây dựng hoặc trong cấu trúc (chủ yếu chỗ tiếp giáp giữa mặt đường mềm và mặt đường cứng).
+ Sự không đồng nhất của đất nền (chỗ giáp ranh giữa đất đắp và đất đào).
+ Gặp công trình ngầm dưới mặt đường.
- Định tính: Đo chiều sâu chỗ hư hỏng
- Định lượng: Phải đo chiều dài (bằng mét) của đường lún cho mỗi mức độ nghiêm trọng.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Độ bằng phẳng bị giảm sút.
+ Đọng nước gây giảm kết dính mặt đường.
5.3.2. Các vết nứt mặt đường.
Các vết nứt trên mặt đường BTN do sự dịch chuyển của mặt đường trên nền không ổn định, sự co giãn của mặt đường BTN, kỹ thuật xây dựng khe nối kém gây ra. Nói chung có sáu loại nứt gãy của loại mặt đường này.
1) Vết nứt do mỏi:
- Định nghĩa: Vết nứt dọc nói chung xuất hiện theo vết càng máy bay, thường kèm theo vết nứt ngang với khoảng cách không nhất định, kèm theo chỗ lõm.
Nguyên nhân có thể:
+ Mặt đường bị mỏi trước thời hạn hay do một hoặc nhiều lớp không  đủ kích thước.
+ Sức chịu tải của nền đất bị giảm (tiêu nước kém, bề mặt chống thấm kém).
+ Kết cấu kém (các lớp bị bong).
+ Chất lượng vật liệu xấu, không đồng đều.
- Định tính: Xác định mức độ nghiêm trọng:
+ Độ mở rộng của vết nứt.
+ Có hay không có các nhánh.
+ Vật liệu có bị mất đi hay không
- Định lượng:
+ Mức độ nhẹ (L): Vết nứt đơn giản, độ mở nhỏ hơn 5 mm.
+ Mức độ trung bình (M): Vết nứt đơn giản, độ mở  lớn hơn 5 mm vết nứt có nhánh và vật liệu chưa mất đi.
+ Mức độ cao (H): Vết nứt có kèm vật liệu bong bật.
- Định lượng: Thông số phải đo là chiều dài (m) của vết nứt vòng nhìn thấy ở mỗi một mức độ nghiêm trọng. Một vết nứt có thể có nhiều đoạn với mỗi một mức độ nghiêm trọng khác nhau.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Thấm nước vào thân đường.
+ Vật liệu mất đi.
+ Rạn chân chim do mỏi phát triển nhanh.
2) Nứt rạn chân chim do mỏi (dạng da cá sấu).
- Định nghĩa: Toàn bộ những vết nứt tạo thành lưới, mắt lưới có dạng hình đa giác mà đường chéo lớn nhất không quá 60 cm. Dạng hư hỏng này thường gặp ở chỗ dấu vết càng máy bay và thường có kèm 1 chỗ lõm.
- Nguyên nhân có thể:
+ Mỏi quá mức của mặt đường.
+ Một số lớp của đường làm bằng vật liệu xấu (kém chất lượng)
+ Do co ngót.
- Ghi định tính: Mức độ nghiêm trọng được đánh giá.
+ Mức độ nhẹ (L): Vết nứt đơn giản có độ mở nhỏ hơn 5 mm hoặc vết nứt đã được sửa mà chưa tốt.
+ Mức độ trung bình (M): Vết nứt đơn giản, độ mở lớn hơn 5 mm vết nứt có nhánh, vật liệu không bong bật.
+ Mức độ cao (H): Vết nứt có vật liệu bị bong bật.
- Định lượng: Thông số được đo bằng diện tích (m2) bao quanh chỗ hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển.
+ Ngấm nước vào thân đường.
+ Gây ổ gà.
3) Vết nứt ở khe.
- Định nghĩa: Vết nứt nằm trên một khe - khe là ranh giới phân chia giữa 2 khu vực cấu trúc khác nhau (theo chiều dọc hoặc chiều ngang).
- Nguyên nhân có thể:
+ Thiếu sót do thi công lớp mặt đường (chất lượng không đồng đều).
+ Sự giãn đoạn về cấu trúc (mềm và cứng).
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào độ mở của khe nứt và tình trạng vật liệu hiện hữu.
+ Được phân định như ở dạng nứt chân chim (da cá sấu).
- Định lượng: Được tính như dạng hư hỏng da cá sấu.
4) Vết nứt do co ngót và vết nứt phản ảnh:
- Định nghĩa: Vết nứt nói chung theo chiều ngang, thường gặp ở những khoảng cách đều đặn (biến đổi từ 3-20 mét) trên một phần hoặc trên toàn bộ mặt đường. Đi kèm nó là các biến dạng phồng hoặc lún. Những trường hợp mặt đường BTXM được tăng cường BTN có vết nứt phản ảnh ở ngay trên khe của các tấm BTXM dưới lớp tăng cường.
- Nguyên nhân:
+ Co ngót nhiệt của BTN
+ Ngót do nhiệt của các lớp bên dưới.
+ Nứt phản ảnh các khe của tấm BTXM bên dưới, tấm cập kênh khi máy bay đi qua.
- Định tính và định lượng: tính như mặt đường hư hỏng kiểu da cá sấu.
5) Nứt rạn chân chim do co ngót.
- Định nghĩa: Toàn bộ những vết nứt tạo thành một mạng lưới, mặt lưới gần như chữ nhật có chiều rộng nhỏ hơn 3m và lớn hơn 0,6m. Thường gặp ở bất kỳ nơi nào trên mặt đường, ngay cả nơi không có máy bay qua lại.
- Nguyên nhân có thể:
+ Hiệu ứng nhiệt trong lớp mặt, ngược lại với dạng nứt chân chim do mỏi, không có triệu chứng của sự thiết sót về quá tải.
- Định tính:
+ Mức độ nhẹ (L): Vết nứt đơn giản, độ mở nhỏ hơn 5 mm.
+ Mức độ trung bình (M): Vết nứt đơn giản, có độ mở lớn hơn 5 mm vật liệu tại chỗ chưa bong bật.
+ Mức độ cao (H): Vết nứt rộng, vật liệu đã bong tróc.
- Định lượng: Diện tích hình chữ nhật bao quanh chỗ hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Thấm nước vào kết cấu mặt đường.
+ Vật liệu bị bong tróc.
+ Sinh ra sự nứt chân chim do mỏi.
6) Vết nứt hình Parabôn - Vật liệu bị kéo ra.
- Định nghĩa: Các vết nứt được gom lại thành hình lưỡi liềm (hướng ngược chiều chuyển động của máy bay). Đối với lớp lu lèn các vết nứt này có thể kèm theo những gờ.
- Nguyên nhân có thể:
+ Lực tiếp tuyến quá lớn trong lớp mặt, tác động đến các đường rẽ hoặc phanh hãm.
+ Chiều dày của lớp mặt không đủ. Khả năng chịu tải mặt đường yếu
+ Thiếu sót trong khi thi công (lu lèn vật liệu bọc nhựa, nhiệt độ không đủ).
- Định tính: Không tính đến mức độ hư hỏng nào.
- Định lượng: Diện tích hình chữ nhật đóng khung lấy chỗ hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Đọng nước, thấm nước vào lòng đường.
+ Vật liệu bị bong bật.
5.3.3. Các vết bong.
1) Mất vỏ bọc - cháy.
- Định nghĩa: Lớp kết dính mịn bị bong ra khỏi cốt liệu và có khi cốt liệu bị bong bật.
- Nguyên nhân có thể:
+  Thiếu chất kết dính hoặc chất kết dính bị lão hoá.
+ Thi công trong điều kiện khí hậu không thuận lợi.
+ Tác động lý hoá do các phương pháp tẩy chất đọng gôm (vệt cao su)
+ Đọng nước trên đường.
+ Cháy do luồng khí nóng của các động cơ phản lực.
- Định tính:
Mức độ nhẹ (L): Các hạt cốt liệu bị bong bật.
Mức độ trung bình (M): Các hạt cốt liệu bị bong bật nhiều, từng mảng.
Mức độ cao (H): Cốt liệu bị bong bật từng mảng lớn.
- Định lượng: Xác định bằng diện tích hình chữ nhật bao quanh nơi hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển: Sức chống thấm giảm, sinh nứt chân chim, ổ gà.
2) Bong bật bề mặt.
- Định nghĩa:  Lớp mặt bị đứt ra từng mảng, mất lớp kết dính ở mức độ cao.
- Nguyên nhân có thể.
+ Chiều dày lớp mặt không đủ.
+ Khuyết tật dính bám của lớp mặt (chất lượng của các vật liệu trong khi thi công chưa tốt (còn nhiều tạp chất bẩn) - Có nước chỗ tiếp giáp 2 bề mặt...
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng cao.
- Định lượng: Diện tích (m2) của hình chữ nhật bao quanh chỗ hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Khả năng chống thấm bị giảm sút.
+ Độ bằng phẳng bị giảm.
+ Tạo ổ gà.
3) Ổ gà.
- Định nghĩa: Chỗ hổng (hố) trên mặt đường do vật liệu bị bong bật.
- Nguyên nhân có thể:
+ Bước phát triển cuối cùng của hiện tượng hư hỏng (đặc biệt là từ trạng thái nứt chân chim).
+ Khuyết tật cục bộ của lớp mặt hoặc lớp móng khi thi công.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Vi phạm an toàn.
+ Nước đọng ở áo đường dẫn đến phá huỷ mặt đường.
+ Loại hư hỏng này nhất thiết phải được sửa chữa khẩn cấp.
5.3.4. Các dạng hư hỏng khác.
1) Ô nhiễm - Bẩn.
- Định nghĩa: Vật liệu bọc nhựa bị xâm nhập bởi những chất hoá học (như Hydrocarbures, dầu nhờn...) có khả năng làm tan nhựa đường. Tình trạng này thường thấy trên sân đỗ máy bay.
- Nguyên nhân có thể:
+ Rò rỉ nhiên liệu khi tiếp nhiên liệu cho máy bay, rò rỉ dầu nhờn khi bảo dưỡng...
+ Các hoá chất khác.
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc tỷ số giữa diện tích bề mặt bị hư hỏng với diện tích bề mặt của khu vực xem xét.
- Định lượng: là diện tích (m2) của hình chữ nhật bao quanh chỗ hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Mất lớp vỏ bọc của vật liệu (mất nhựa)
+ Bong tróc bề mặt.
2) Đọng gôm (mạt lốp cao su)
- Định nghĩa: Đọng mạt cao su ở khu vực bánh máy bay chạm đất.
- Nguyên nhân:
+ Lốp máy bay bị mòn vào lúc nó chuyển sang quay khi máy bay chạm đất.
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc tỷ số giữa diện tích bị hư hỏng với diện tích bề mặt của khu vực xem xét.
- Định lượng: Diện tích (m2) của hình chữ nhật bao quanh chỗ bị hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Hệ số ma sát (dính bám) bị giảm sút.
3) Rỗ:
- Định nghĩa: Mặt đường có các lỗ rỗng cục bộ.
- Nguyên nhân có thể.
+ Các lớp xử lý bằng chất kết dính nhựa đường không đủ tính chất ổn định.
+ Tải trọng tĩnh vượt tiêu chuẩn do các máy bay đang đậu hoặc do các khí tài xe máy phục vụ sân bay tác động mạnh.
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào chiều sâu tối đa của chỗ lõm.
Mức độ nhẹ (L) h  1 cm
Mức độ trung bình (M) 1<h 2 cm
Mức độ cao (H) h> 2 cm
- Định lượng : Đo diện tích (m2) hình chữ nhật bao quanh chỗ hư hỏng - chỗ lõm.
- Hậu quả và tiến triển.
+ Thấm nước vào nền đường.
4) Vật liệu xốp
- Định nghĩa: Vật liệu không cố kết chặt ở giữa hai dải hoặc ở khe giữa 2 dải.
- Nguyên nhân: Khuyết tật về pha trộn vật liệu, thi công không đảm bảo chất lượng (tỷ lệ cấp phối vật liệu không đúng, lu lèn không chặt).
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc tỷ số giữa bề mặt bị hư hỏng (xem xét giá trị định lượng) với diện tích của mắt lưới trong bản xét ghi.
- Định lượng: Thông số phải đo là diện tích (bằng m2) của hình chữ nhật bao quanh chỗ hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Tính chống thấm bị suy giảm.
+ Phát sinh lún, nứt tại khu vực có khuyết tật.
5) Nước phun trào.
- Định nghĩa: Khu vực ẩm ướt do nước từ thân đường thoát ra qua các điểm yếu của các lớp kết cấu chảy tràn lên bề mặt mặt đường (qua vết nứt hoặc vật liệu xốp).
- Nguyên nhân:
+ Tính chống thấm không đầy đủ của bề mặt mặt đường.
+ Mặt đường không được thoát nước tốt.
+ Khuyết tật ở khoảng giữa 2 bề mặt làm thuận lợi cho nước giao lưu.
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc tỷ số giữa diện tích bề mặt bị hư hỏng với diện tích bề mặt của khu vực xem xét.
- Định lượng: Diện tích (bằng m2) của hình chữ nhật bao quanh chỗ hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Các lớp kết cấu mặt đường bị suy yếu. Sức chịu tải của mặt đường bị giảm.
+ Mặt đường bị trương nở - hạt mịn phun trào lên bề mặt mặt đường.
6) Hạt mịn phun trào.
- Định nghĩa: Khu vực bị ẩm ướt, nước có chứa hạt mịn, nước vữa, bùn... từ nền móng thoát ra qua các điểm yếu của các lớp kết cấu chảy tràn lên bề mặt mặt đường (các vết nứt, vật liệu bao bọc bị xốp, kém chất lượng).
- Nguyên nhân có thể:
+ Lớp bề mặt mặt đường chống thấm không tốt.
+ Kết cấu mặt đường không thoát được nước.
+ Khuyết tật giữa 2 bề mặt thuận tiện cho nước giao lưu.
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc tỷ lệ giữa diện tích bề mặt bị hư hỏng với diện tích bề mặt của khu vực xem xét.
- Định lượng: Thông số phải đo lường là diện tích (m2) của hình chữ nhật bao quanh chỗ hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Vật liệu kết cấu mặt đường bị rời, bị bóc vỏ.
+ Sự kết dính, sức chịu tải bị giảm sút.
+ Mặt đường bị trương nở, ổ gà.
7) Khu vực đã sửa chữa bị hư hỏng.
- Định nghĩa: Khu vực đã sửa chữa bất kỳ nguồn gốc nào, trừ những khu vực sửa chữa các vết nứt, liên quan đến một hoặc nhiều lớp kết cấu mặt đường và có biểu hiện hư hỏng nghiêm trọng trên bề mặt hoặc chu vi khu vực đã sửa chữa.
- Nguyên nhân có thể: Thiếu sót khi phối liệu và khi thi công, lu lèn không chặt. Việc xem xét dạng hư hỏng xuất hiện trên bề mặt cho phép định hướng được tính chất của khuyết tật.
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng thể hiện ở diện tích hư hỏng bề mặt chỗ đã được sửa chữa và phạm vi của nó.
- Định lượng: Là diện tích cộng dồn (bằng m2) của các chỗ được sửa chữa, có cùng một trình độ nghiêm trọng cho mỗi một khu vực xem xét.
8) Phồng rộp
- Định nghĩa:  Hiện tượng vật liệu nhựa đường thoát ra một lớp mỏng làm cho mặt đường rất dính, chất kết dính cộng với hạt mịn phun trào lên bề mặt mặt đường.
- Nguyên nhân có thể:
+ Chất kết dính quá liều lượng.
+ Nhựa đường quá mềm.
+ Lu lèn quá mức.
- Định tính: Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào tỷ số giữa bề mặt bị hư hỏng với diện tích của lưới trong bản xét ghi.
- Định lượng: Là diện tích (bằng m2) của hình chữ nhật bao quanh chỗ hư hỏng.
- Hậu quả và tiến triển: Hệ số ma sát (dính bám) bị giảm sút.
9) Sự bào mòn.
- Định nghĩa: Bào mòn là hiện tượng mặt đường bị bào mòn dưới tác động của hoạt động máy bay hay phương tiện và thời tiết.
- Nguyên nhân có thể:
+ Mật độ khai thác quá lớn
+ Thiếu sót trong thi công, chất lượng bề mặt kém.
+ Lão hoá bề mặt.
- Định tính:
Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào tỷ số giữa bề mặt bị hư hỏng với diện tích của lưới trong bản xét ghi.
- Định lượng: Đơn vị xét ghi là m2.
- Hậu quả và tiến triển:
+ Hệ số ma sát bị suy giảm.
+ Vật liệu bị bong bật.
5.4. DẠNG HƯ HỎNG MẶT ĐƯỜNG KHÁC
5.4.1. Mặt đường đá dăm:
- Mất lớp đá hạt nhỏ
- Ổ gà
5.4.2. Mặt đường cấp phối và mặt đường đất: 
- Mất lớp mặt
- Trơn lầy
- Gợn sóng
- Ổ gà, lún lõm cục bộ
- Sình lún
5.5. HƯ HỎNG CÔNG TRÌNH KHÁC THUỘC KHU BAY
5.5.1. Hệ thống thoát nước.
- Ứ đọng ở các ống dẫn, cửa ống dẫn và trong giếng kiểm tra.
- Hư hỏng các tấm bê tông cốt thép dùng để đậy giếng kiểm tra.
- Hư hỏng  các bậc thang lên xuống.
- Hư hỏng các miệng giếng kiểm tra.
- Hư hỏng các phần tăng cường quanh miệng giếng kiểm tra (thường là đá dăm nhựa)
- Vỡ ống hay mối nối bị hở.
- Tắc, hư hỏng giữa hai giếng kiểm tra.
- Nứt cống.
- Ống tiêu nước ngầm bị tắc như: thấy trên bề mặt cỏ những vùng nước ngầm có đọng những vũng nước (ống tiêu nước đang bị tắc bùn hay bị vỡ).
- Mương bị tắc, đọng bùn hay cỏ rác.
- Thành mương bị sụt lở, hư hỏng các phần tăng cường, gia cố thành mương rãnh (cỏ, bê tông gạch .....) 
- Giếng thấm bị ứ đọng báo hiệu hệ thống lọc bị tắc
5.5.2. Dải hãm phanh:
- Không đảm bảo độ xốp.
- Không đảm bảo độ bằng phẳng.
5.5.3. Sơn tín hiệu:  Ký hiệu mờ, phai.
5.5.4. Hàng rào sân bay: 
- Lún nứt.
- Gãy đổ các kết cấu


Bình luận

0 Nhận xét