Ngành xây dựng nhật bản và những bài học cho việt nam

 LĨNH VỰC GIÀ CỖI

Ngành xây dựng Nhật Bản đã phát triển rất lâu đời, quốc gia này đã bước vào giai đoạn "bão hòa", tỷ lệ độ thị hóa cực cao, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhu cầu xây mới rất ít, nói tóm lại hết cái để làm. Miếng bánh xây dựng không lớn, nhưng lại chịu bị 05 công lớn nhất lũng đoạn, lần lượt là: Obayashi, Shimizu, Takenaka, Kajima và Taisei (toàn những cái tên quen thuộc). Mỗi doanh nghiệp có doanh thu tầm 15 đến 20 tỷ USD, tính ra cả năm doanh nghiệp này cộng lại cũng gần bằng 1/2 doanh thu của CSCEC.



Đây là những doanh nghiệp rất lâu đời, họ đều thành lập từ thế kỷ 19, cá biệt có Takenaka thành lập thế kỷ 17. Các công ty này làm mọi loại công việc, của hầu hết các loại dự án từ chung cư, resort, văn phòng, nhà máy, hạ tầng, cầu cống... họ chính là những doanh nghiệp đóng góp phần lớn vào bộ mặt của nước Nhật hiện đại. Đỉnh cao của họ là thập niên 1950 đến 1980, có lẽ lúc đó doanh thu của những doanh nghiệp này không kém cạnh CSCEC bây giờ. Từ những năm 1990, bong bóng thị trường BĐS Nhật Bản vỡ và ngành xây dựng cũng dần dần đi vào thoái trào đến hôm nay. Đó là nguyên nhân khách quan, nhưng dẫn đến sự thoái trào này còn có những nguyên nhân chủ quan khác đến từ nội các các công ty xây dựng Nhật Bản.

CĂN BỆNH CỦA KẺ THỐNG LĨNH

Hiện tượng có một số các công ty chiếm đa số thị phần trong kinh tế học gọi là độc quyền nhóm. Số này một khi đã ở vị trí thống lĩnh thị trường thì gần như không có một đối thủ nào có thể gia nhập nhóm của họ được. Rào cản thị trường do họ thiết lập, cộng với những quan hệ sâu rộng lâu đời với giới chức đã biến họ thành các công ty "Too big to fail". Điển hình cho việc này chính là hiện tượng Gian lận đấu thầu  một "truyền thống" lâu đời tại Nhật Bản - họ gọi nó bằng một cái tên là 'Dango'.

Hệ thống 'dango' xuất phát từ hợp đồng công trình công tại Nhật, theo đó, các nhà thầu khi tham gia một hợp đồng của chính phủ, thay vì tranh đấu quyết liệt, thì ngầm "nhường" cho một bên nộp hồ sơ chiến thắng. Người chiến thắng, khi tham gia hợp đồng sau đó, lại "nhường" cho bên khác thắng thầu, và cứ tiếp tục như vậy. Mới đây nhất là vụ việc Tòa án quận Tokyo đã yêu cầu hai công ty gồm Obayashi và Shimizu phải trả mức phạt lần lượt là 1,17 triệu USD và 1,5 triệu USD do vi phạm luật cạnh tranh,  và cấm tham gia đấu thầu 120 ngày.

Ở Nhật, người ta không tiết lộ giá trần thắng thầu, các công ty sẽ phải tự tính toán để ra giá tốt nhất của mình và nộp thầu. Tuy nhiên một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình các hợp đồng thắng thầu khi đó đạt tới 95,3% giá trần bí mật của chính phủ - một dấu hiệu chứng tỏ tham nhũng nặng. Trong cuốn Japan under Construction: Corruption, Politics, and Public Works (1996), Brian Woodall viết "Gian lận lớn và các khoản trả phí chính trị đã làm tăng chi phí xây dựng công ở Nhật lên 30 tới 50%". Thị trường xây dựng Nhật Bản thì các "Zenecon" (tổng thầu) là người quyết định cuộc chơi chứ không phải các chủ đầu tư, điều này là trái ngược với thị trường xây dựng ở Việt Nam. 

GÓC KHUẤT CỦA NHỮNG ĐỒNG ODA

Với việc thị trường nội địa đã bão hòa, các công ty xây dựng Nhật Bản phải liên tục tìm kiếm những thị trường mới, đặc biệt là những dự án hạ tầng có giá trị lớn và công nghệ phức tạp. Khoảng thập niên 80, 90 họ thường tham gia các dự của Hoa Kỳ, Châu âu vì lợi thế giá rẻ và công nghệ vượt trội, đơn cử như tàu cao tốc Shinkansen trứ danh. Thái độ làm việc cũn như chất lượng của các sản phẩm Nhật Bản đã thành thương hiệu, phải nói đây là thế mạnh của họ, đây là điều Việt Nam nên học hỏi. Tuy nhiên những lợi thế này không duy trì được lâu khi Trung Quốc trỗi dậy, với lợi thế giá rẻ và chất lượng cải thiện dần theo thời gian, Trung Quốc đã vươn lên thành một nhà thầu quy mô quốc tế. Đơn cử như việc chỉ trong 10 năm, công nghệ đường sắt cao tốc Trung Quốc đã có bước tiến vượt bậc, được thị trường hóa và là rất nhanh, giá thành rẻ. Chính điều này đã mở đường cho họ giành được những hợp đồng dự án tàu điện ngầm trị giá tới 2,6 tỉ USD ngay tại Hoa Kỳ, vượt qua cả Nhật Bản.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ những nhà thầu đến từ Trung Quốc và cả Hàn Quốc, các nhà thầu Nhật Bản mất dần lợi thế. Họ dịch chuyển thị trường qua các nước đang phát triển, nền sản xuất còn lạc hậu bằng những hợp đồng tài trợ ODA, mà đại diện ở đây là con ngáo ộp JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - Japan International Cooperation Agency). Các thỏa thuận cho vay ODA này điều kiện tiên quyết luôn là tiền đó phải do tư vấn thiết kế Nhật làm, phải do nhà thầu Nhật thi công, phải do nhà cung cấp Nhật lắp ráp, ngoài ra còn vô số những yêu cầu bất công khác như Chính phủ Nhật tư thu thuế thu nhập với nhân sự người Nhật, cấp chỗ ăn ở, lương chuyên gia trên trời và nhiều ưu đãi vô lý khác. Bản chất của JICA chỉ là cơ quan đại diện, nhưng những đồng tiền tài trợ cũng chẳng phải do chính phủ Nhật bỏ ra, mà chính những công ty xây dựng kia huy động. 

Quy trình của họ có thể tóm tắt là khi JICA đạt được thỏa thuận tài trợ ODA cho một quốc gia, họ sẽ đưa các thỏa thuận này lên lên cấp cao nhất là sự bảo đảm giữa hai Chính phủ, nhằm thắt chặt yêu cầu trả nợ. Đồng thời, về đến Tokyo, họ sẽ phát thông báo với các tổng thầu, theo vòng quay 'Dango' đến ai thì công ty đó chỉ cần nộp một thư cam kết cấp tín dụng từ một ngân hàng là xem như âm thầm được trao thầu. Với lợi thế duy trì lãi suất âm, thì gần như chỉ cần trúng thầu là sẽ có lợi nhuận. Đã có một thời Việt Nam chúng ta khá ngây thơ khi những người Nhật bảo rằng sẽ cho đấu thầu giữa các nhà thầu Nhật, để tăng tính cạnh tranh nhưng cuối cùng lúc đầu thầu chỉ có một công ty nộp hồ sơ.

Để có thể kí được nhiều hợp đồng tài trợ vốn nhất có thể, những người vận động hành lang của các tổng thầu Nhật đều cam kết những khoản lại quả cho quan chức của địa phương nếu nhận ODA. Họ (những tổng thầu Nhật) luôn sẵn sàng lobby khi cần thiết, đây là văn hóa và chỉ có quá ngây thơ tin theo những hình ảnh tô vẽ trên truyền thông. Đã có không ít những vụ tham nhũng bị bóc trần ở chính Nhật Bản và cháy tới Việt Nam. Người Nhật đã dạy chúng ta quá nhiều bài học từ ngành xây dựng này, tôi cũng không muốn những người đang còn làm nghề hiểu và biết hơn về bản chất câu chuyện này và tự chiêm nghiệm.

LỜI KẾT VÀ GÓC NHÌN VỚI VIỆT NAM

Việt Nam chúng ta đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng. Ngành xây dựng sẽ còn phát triển ít nhất 10 đến 20 năm nữa, nhưng chúng ta cũng phải nhìn các công ty xây dựng Nhật Bản để thấy tương lai của chính mình. Sẽ có lúc ngành này đi vào thoái trào và chúng ta phải chuẩn bị để xuất khẩu. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta áp dụng cách của người Nhật khi xuất khẩu ODA đi khắp nơi, tuy nhiên cũng phải nhìn lại và hoàn thiện bản thân trước khi thực hiện việc đó.

Nhà thầu Việt Nam hiện tại thực chất còn yếu nếu so sánh với Nhật Bản hay Trung Quốc. Chúng ta thiếu những công ty đủ mạnh về tài chính, kỹ thuật để đánh những 'game' lớn. Ngoài ra còn phải là sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng trong việc hình thành khối hợp tác Tổng thầu - Ngân hàng - Chính phủ trong việc "bán" ODA cho các nước kém phát triển hơn. Đồng thời bản thân ngành xây dựng Việt Nam cũng phải tự hoàn thiện mình trong việc minh bạch, khi đây luôn là điểm nóng của tệ nạn tham nhũng.

Cuối cùng, thay lời kết tôi vẫn muốn nhắn gửi một điều rằng: " Nước nghèo nó nhục thế đó!". Chúng ta không cố gắng để đến thế hệ sau vẫn còn ngửa tay xin những đồng ODA thì thật sự tệ, đó là chúng ta đã khômg làm tròn nhiệm vụ của thế hệ mà dân tộc đang giao phó!


Bình luận

0 Nhận xét